[Kịch bản 101] #1 : Quên con mèo đi, tự cứu mình trước đã !

Có một điều khá bất hợp lý rằng, phim cũng là một dạng kể chuyện, nhưng trong tất cả các tài liệu cũng như các chương trình giảng dạy biên kịch, thời lượng dành cho việc học cách kể chuyện vô cùng vô cùng hạn chế. Vì mọi người thường mặc định rằng, kể chuyện là bản năng nên không cần dạy/học, hay vì lý do nào khác? Tôi cũng không biết rõ. Tôi chỉ biết là, trong tất cả những người học biên kịch mà tôi từng gặp, thì có hơn 80% không hề biết cách kể chuyện. Chính vì vậy, ngày hôm nay, thay vì nói về kỹ thuật viết kịch bản, tôi sẽ bắt đầu bằng câu hỏi:

Làm thế nào để kể được một câu chuyện ?

Phần lớn những người làm trong ngành sáng tạo nói chung và biên kịch nói riêng bước vào nghề với chung một suy nghĩ: Tôi có một câu chuyện, và tôi muốn kể nó ra. Nếu như họa sĩ dùng cọ, nhiếp ảnh gia dùng máy chụp hình, diễn viên dùng cơ thể, thì nhà văn và biên kịch dùng ngòi bút để kể chuyện. Thế nhưng đã bao nhiêu lần bạn cầm chặt cây bút trong tay, ngồi trước trang giấy trắng, và không biết phải bắt đầu kể câu chuyện mà bạn muốn kể từ đâu?

Tôi có một câu chuyện, và tôi muốn kể nó ra.

Khi bạn mới bắt đầu tìm hiểu và bước chập chững từng bước đầu tiên đến với cánh cổng của nghề biên kịch, mọi người thường bảo bạn rằng, kịch bản của bạn, bộ phim của bạn, phải có một thông điệp mạnh mẽ, phải có giá trị nhân văn sâu sắc. Nhưng chẳng ai bảo với bạn rằng, hãy kể một câu chuyện rõ ràng và mạch lạc.

Khi bạn bước chân vào những lớp dạy biên kịch, làm phim, phần lớn thời gian người ta sẽ dạy các bạn về cách sử dụng phần mềm, xem phim, bình luận phim, một vài kỹ thuật và luôn nhắc bạn rằng phim phải có thông điệp có ý nghĩa có giá trị nhân văn sâu sắc. Bạn chạy đua với một mớ kỹ thuật hỗn độn, nào Save-the-cat, nào cấu trúc Một-đống-hồi, nào Đề-thực-luận-kết, nào một mớ từ ngữ tiếng Anh chuyên ngành mà bạn không hiểu và cũng chẳng dám hỏi… Chẳng ai dạy bạn làm sao để kể ra được một câu chuyện cho đàng hoàng, chỉn chu cả. Trong khi đó, nền tảng của tất cả mọi tác phẩm nghệ thuật, chính là câu chuyện. Bạn muốn truyền tải một thông điệp, bạn muốn làm một bộ phim mang ý nghĩa nhân văn, nhưng nếu bạn không kể được một câu chuyện rõ ràng, mạch lạc, thì thông điệp hay giá trị nhân văn cũng chẳng còn ý nghĩa gì nữa cả.

Vậy thì, làm sao để kể chuyện?

Đầu tiên, tất cả mọi câu chuyện đều bắt đầu từ một ý tưởng. Khoan nói về việc ý tưởng của bạn là hay hay dở, không ai có thể nhận xét chính xác được hết. Chúng ta hãy bắt đầu từ bước đầu tiên: Ý tưởng. Tạm cho rằng bạn đã có sẵn một ý tưởng trong đầu, tất nhiên, nếu bạn không có ý tưởng nào trong đầu thì bạn nên tắt máy và đi ngủ. Bạn có một ý tưởng, xung quanh ý tưởng đó có một làn khói mờ ảo, mông lung, bay lởn vởn vòng quanh bao bọc lấy ý tưởng đó. Đó chính là câu chuyện của bạn. Giờ thì, ai đó bảo rằng “Này, hãy kể câu chuyện của bạn đi”; bạn giật mình, làn khói cũng tan biến, ý tưởng của bạn cũng rớt xuống đáy vực luôn. Đó là những gì đã xảy đến với bạn, đúng không? Đừng lo, vì điều đó xảy ra với tất cả mọi người.

Giờ thì, chúng ta sẽ quay ngược thời gian một chút. Hãy, nhìn xem, ý tưởng của bạn đang bay ngược từ dưới lên, và làn khói mờ ảo kia vừa quay lại, bao phủ lấy ý tưởng của bạn. Hãy giữ nguyên tư thế, vì bây giờ, tôi sẽ chỉ cho bạn, một phương pháp đơn giản để đưa ý tưởng và làn khói kia từ trong đầu bạn ra mặt giấy, trở thành một câu chuyện có thể đọc, xem được. Đó là Phương pháp 4W (When – Where – Who – What)

Cấu trúc câu trong kịch bản.jpg

Cổ nhân có câu “Vạn sự khởi đầu nan”, nghĩa là điểm khởi đầu luôn luôn là điểm khó khăn nhất. Kể chuyện cũng vậy. Khó khăn lớn nhất trong việc kể chuyện không phải là câu chuyện đó có hay hay không, mà là phải bắt đầu câu chuyện như thế nào. Phương pháp 4W là một phương pháp đơn giản, dễ dàng, hiệu quả giúp bạn mở đầu câu chuyện một cách trơn tru, từ đó hoàn thành toàn bộ câu chuyện.

Phương pháp 4W bao gồm 4 câu hỏi chính: When (Khi nào)- Where (Ở đâu) – Who (Ai) – What (Làm gì). Trong đó:

  • When (Khi nào) nhằm xác định thời gian câu chuyện bắt đầu.
  • Where (Ở đâu) nhằm xác định địa điểm nơi câu chuyện diễn ra.
  • Who (Ai) nhằm xác định nhân vật xuất hiện trong câu chuyện tại thời gian và địa điểm đó.
  • What (Làm gì) nhằm xác định hành động, sự kiện diễn ra ngay lúc đó.

Trước khi bắt đầu kể chuyện, hãy trả lời lần lượt, đầy đủ 4 câu hỏi: Khi nào? Ở đâu? Ai? Làm gì? hay cụ thể hơn là:

  • Câu chuyện xảy ra khi nào?
  • Câu chuyện xảy ra ở đâu?
  • Ai có mặt tại thời điểm đó?
  • Người đó làm gì? Chuyện gì xảy ra với người đó?

Bạn thấy những câu hỏi này có quen thuộc không? Bạn từng nghe ai đó hỏi hay đã từng hỏi ai những câu như vậy chưa? Những câu hỏi này, vô cùng gần gũi, thân quen, vì chúng là những câu hỏi mở đầu cho mọi cuộc trò chuyện.

Có thể lấy vài ví dụ như sau:

-Ê, mày biết vụ gì chưa?

-Hả, vụ gì?

-Con Trân mới bị đánh ghen đó!

-Trời, khi nào vậy?

-Hồi hôm qua đó.

-Ở đâu vậy?

-Ngay trước cổng trường mình chứ đâu.

-Mà ai đánh nó vậy? Nó bị đánh như nào, kể tao nghe chi tiết đi.

Trong đoạn ví dụ trên, bạn có thể thấy rằng, những câu hỏi “Vụ gì?”, “Khi nào?”, “Ở đâu?”, “Ai?” đã giúp cuộc trò chuyện trở nên suôn sẻ, mạch lạc hơn.

-Hãy cho tôi biết, từ 12h-1h đêm hôm qua, anh làm gì, ở đâu?

-Lúc đó tôi ngồi trong phòng nghịch khăn giấy…

-Vậy là anh không có chứng cứ ngoại phạm…

-Tôi nói thật mà. Nếu anh không tin cứ kiểm tra lịch sử duyệt web là sẽ biết ngay thôi.

Trong ví dụ này, cả 4 yếu tố Khi nào (12h-1h đêm hôm qua), Ở đâu (trong phòng), Ai (anh), Làm gì (nghịch khăn giấy) được thể hiện một cách nhanh chóng qua 1 câu hỏi và 1 câu trả lời, cung cấp đầy đủ thông tin giúp câu chuyện trở nên rõ ràng hơn.

Đó là những câu chuyện bạn có thể dễ dàng bắt gặp trong đời sống thường nhật. Vậy còn trong văn học, kịch nghệ, phim ảnh, hay cụ thể là trong kịch bản thì sao? Phương pháp này được áp dụng như thế nào?

Giờ thì tôi mời bạn cùng tôi quay ngược thời gian về xa hơn nữa, về lại thời điểm cách đây vài chục năm, khi chúng ta đang ở độ tuổi tiểu học. Khi bạn ở độ tuổi tiểu học, loại sách bạn đọc nhiều nhất là gì nào? Truyện tranh. OK chúng ta sẽ bỏ qua nó. Vậy còn loại sách bạn đọc nhiều tiếp theo? Chắc chắn không phải là “Cô giáo Thảo”. Vâng, đó là sách giáo khoa. Hay cụ thể hơn, trong số mấy chục cuốn sách giáo khoa đó, là cuốn Truyện Đọc, cuốn sách giáo khoa duy nhất không gây nhàm chán hay sợ hãi vì trong đó toàn là những câu chuyện cổ tích hay ho.

truyendoclop.jpg

Nội dung chính của cuốn Truyện Đọc này, chủ yếu là truyện ngụ ngôn, truyện dân gian, truyện cổ tích. Đặc điểm chung của những câu chuyện đó là gì? Chúng được kể một cách rõ ràng, rành mạch, từ ngữ đơn giản, gọn gàng, không hoa mỹ, không phức tạp, nhưng vẫn đầy đủ nội dung và vô cùng dễ hiểu. Đó, cũng là yêu cầu chung của một kịch bản phim: rõ ràng, rành mạch, gọn gàng, đủ nội dung, dễ hiểu.

Vậy thì trong cuốn Truyện Đọc này nói riêng, và trong số những tác phẩm truyện dân gian, ngụ ngôn, cổ tích nói chung, tác phẩm nào, mà bạn nhớ nhất? Khi nói về truyện dân gian, ngụ ngôn, cổ tích, câu chuyện nào ngay lập tức hiện ra trong đầu bạn? Giờ thì, sử dụng 4 câu hỏi Khi nào – Ở đâu – Ai – Làm gì, bạn hãy kể lại câu chuyện đó theo cách mà bạn nhớ.

Hãy kể lại câu chuyện đó theo cách của riêng bạn.

Thế nào, bạn đã kể được chưa ?

Tôi không biết câu chuyện mà bạn nghĩ tới là câu chuyện nào, vậy nên tôi sẽ kể lại vài câu chuyện, theo cách mà tôi nhớ về chúng nhé.

CÔ BÉ QUÀNG KHĂN ĐỎ

Ngày xửa ngày xưa, tại một ngôi làng nọ, có một cô bé sống cùng mẹ. Người ta gọi cô bé là Cô Bé Quàng Khăn Đỏ. Một ngày nọ, mẹ sai cô bé mang bánh đi biếu bà ngoại ở bên kia rừng. Trên đường đi, cô bé gặp Sói. Sói dụ cô bé đi theo con đường đầy hoa thơm trái ngọt làm chậm chân cô bé. Sau đó Sói đến nhà Bà Ngoại, nuốt bà vào bụng. Khi Cô Bé Quàng Khăn Đỏ tới nơi, Sói đóng giả bà Ngoại lừa cô bé lại gần, rồi nuốt cô bé vào bụng. Lúc này, có một bác thợ săn đi ngang qua phát hiện Sói, bèn giết Sói, mổ bụng Sói và cứu hai bà cháu ra ngoài. Từ đó về sau, Cô Bé Quàng Khăn Đỏ không dám la cà rong chơi nữa.

NÀNG TIÊN CÁ

Ngày xửa ngày xưa, ở dưới lòng biển sâu, có một Nàng Tiên Cá là con gái vua Thủy Tề. Một ngày nọ, Nàng Tiên Cá vô tình cứu được Hoàng Tử bị ngã xuống biển. Nàng Tiên Cá đưa Hoàng Tử vào bờ và trúng tiếng sét ái tình với Hoàng Tử. Khi Hoàng Tử tỉnh dậy, chàng hiểu nhầm rằng một cô gái khác cứu mình nên cưới cô ta. Nàng Tiên Cá muốn trở thành người để lên bờ gặp Hoàng tử bèn đến tìm gặp Bạch Tuộc nhờ giúp đỡ. Bạch Tuộc đề nghị Nàng Tiên Cá đổi giọng hát lấy đôi chân. Nàng Tiên Cá đồng ý. Nhưng Bạch Tuộc không giữ lời hứa, cắt lưỡi Nàng Tiên Cá rồi bỏ trốn. Nàng Tiên Cá đau đớn, bơi đến tìm gặp Hoàng Tử. Hoàng Tử nhìn thấy Nàng Tiên Cá, bèn gọi lính bắt nàng đưa tới. Hoàng Tử ra lệnh cho lính xé đôi thân dưới của Nàng Tiên Cá để thành đôi chân. Nàng Tiên Cá mất máu quá nhiều và chết trong đau đớn. Thân xác nàng tan thành bọt biển. Hoàng Tử về nhà và sống hạnh phúc mãi mãi về sau.

Đó là hai trong số vài câu chuyện mà tôi còn nhớ. Tôi khá lười đánh máy nên chỉ kể tóm tắt ngắn gọn như vậy thôi.

Sau khi đọc xong hai câu chuyện trên, bạn có nhận ra những điểm giống nhau về cấu trúc của cả hai câu chuyện? Nếu để ý kỹ hơn, bạn sẽ nhận thấy rằng, cấu trúc của mỗi câu trong truyện đều khá giống như nhau. Sở dĩ có sự giống nhau này, bởi vì gần như trong tất cả các câu, tôi đều kể theo phương pháp 4W.

Để rõ ràng hơn, tôi sẽ phân tích câu mở đầu của truyện Cô Bé Quàng Khăn Đỏ như sau:

  • Câu mở đầu: Ngày xửa ngày xưa, tại một ngôi làng nọ, có một cô bé sống cùng mẹ.
  • When – Khi nào: Ngày xửa ngày xưa.
  • Where – Ở đâu: Tại một ngôi làng nọ.
  • Who – Ai: Có một cô bé.
  • What – làm gì: Sống cùng mẹ.

Như vậy chỉ trong một câu, tôi đã có thể giới thiệu nhân vật và câu chuyện đến với khán giả một cách dễ dàng và không tốn chút công sức nào cả. Khá đơn giản đúng không nào? Đó là nhờ phương pháp 4W này.

dfac00c2a5449a69b782d01f94b6c840.jpg

Phương pháp 4W, chắc chắn rồi, không phải do tôi nghĩ ra. Phương pháp kể chuyện này đã có từ cách đây hàng chục ngàn năm, khi những con người đầu tiên trên Trái Đất này bắt đầu có được tiếng nói.

Trước khi chữ viết được phát minh và trở nên phổ biến, thì truyền miệng là phương pháp kể chuyện duy nhất, và vẫn luôn được ưa chuộng cho đến ngày hôm nay. Trong suốt lịch sử loài người, những câu truyện cổ dân gian, ngụ ngôn, cổ tích được truyền miệng từ người này sang người khác, từ đời này qua đời khác, chủ yếu bởi các bà mẹ, các anh hề, và những người hát rong.

bbccee04f0c4b5c022ee1abd14637d6c.jpg

Để một câu chuyện được ghi nhớ và kể lại một cách dễ dàng, thì tất cả những câu chuyện đó đều phải có điểm chung là ngắn gọn, súc tích, ngôn từ giản đơn, dễ nhớ, dễ thuộc, dễ hiểu. Điều quan trọng nhất vẫn là phải ngắn gọn. Bạn có thể nhớ một mẩu truyện cười, nhưng chắc chắn sẽ không thể nhớ hết cuốn Hamlet của Shakespeare và kể lại nó chính xác từng từ một cho người khác được. Hơn nữa, vào thời Cổ đại và Trung cổ, dân trí khá là thấp, phần lớn người dân không được đến trường, nên không có ai dạy kể chuyện cả. Những câu chuyện cổ được kể lại đều dựa trên một khuôn mẫu nhất định, và mãi về sau, khi văn hóa và khoa học phát triển, người ta mới có thể đúc kết và nhận ra được chính xác phương pháp kể chuyện đơn giản mà hiệu quả có nguồn gốc lâu đời này là gì. Vậy nên, nếu bạn muốn kể một câu chuyện mà không biết phải bắt đầu từ đâu, hãy sử dụng ngay phương pháp 4W.

Cấu trúc câu trong kịch bản

Ở phần đầu của bài viết, tôi đã cho các bạn xem qua tấm hình này. Bây giờ chúng ta sẽ đi sâu vào nó. Tại sao tấm hình này lại có tên là “Cấu trúc câu trong kịch bản” mà không phải là “Phương pháp kể chuyện” hay “Phương pháp 4W”? Vì tôi muốn nhấn mạnh rằng, dựa trên phương pháp 4W, đâu là cấu trúc câu tiêu chuẩn, mà bạn PHẢI tuân theo, nếu muốn học cách viết kịch bản.

Như bạn có thể thấy ở trong hình, cấu trúc câu trong kịch bản gồm có 6 yếu tố, trong đó có 4 yếu tố chính và 2 yếu tố phụ. Không bắt buộc tất cả các câu đều phải có đủ 4 hay 6 yếu tố này, cũng không bắt buộc tất cả các từ trong câu phải sắp xếp theo đúng thứ tự 1-2-3-4-5-6. Nhưng việc nắm vững và hiểu rõ 6 yếu tố này trong câu sẽ giúp bạn vượt qua khá nhiều vấn đề nảy sinh trong quá trình viết kịch bản sau này.

Như tôi đã nói ở trên, cấu trúc chính của câu trong kịch bản nói riêng và kỹ thuật kể chuyện nói chung, đều dựa trên phương pháp 4W. Tuy nhiên, trong quá trình viết kịch bản, sẽ có những thời điểm bạn bị bí, kẹt ý tưởng, khi câu chuyện của bạn gần như đi vào đường cùng và bạn không biết phải phát triển tiếp như thế nào. Để giải quyết vấn đề này, hãy đọc lại kịch bản, đọc lại câu chuyện của bạn thêm một lần nữa, và trả lời thêm hai câu hỏi: How? (Như thế nào?) và Why? (Tại sao?)

  • How: Chuyện này xảy ra như thế nào? Nhân vật đã làm điều đó như thế nào? Sao (nhân vật) có thể làm điều đó? Sao (nhân vật) có thể gặp chuyện như vậy? …
  • Why: Tại sao nhân vật đó lại làm chuyện như vậy? Tại sao sự việc đó lại xảy ra? tại sao nhân vật gặp rắc rối? Tại sao nhân vật không làm điều A mà làm điều B? …

Hãy đặt ra những câu hỏi, và tìm cách trả lời chúng, bạn sẽ tìm được chìa khóa mở cách cửa tiếp theo để câu chuyện và kịch bản của bạn tiến lên. Đồng thời, việc đặt câu hỏi và trả lời giúp bạn nhìn rõ hơn, kỹ hơn về bản chất của nhân vật, câu chuyện và kịch bản mà bạn đang theo đuổi, từ đó phát hiện ra những vấn đề, lỗ hổng của câu chuyện để có thể chỉnh sửa và hoàn thiện câu chuyện, kịch bản của bạn tốt hơn.

Nói một cách công bằng, thì tất cả chúng ta đều đã được học cách kể chuyện từ khi còn nhỏ, thông qua môn Tiếng Việt. Cho đến năm 18 tuổi, chúng ta đã có ít nhất 12 năm học cách kể chuyện và sử dụng ngôn ngữ. Thế nhưng phần lớn trong chúng ta lại không thể kể được một câu chuyện cho ra hồn. Đó là vì chúng ta chưa từng cố gắng tập trung học môn Tiếng Việt bằng thái độ lạc quan và niềm yêu thích ,mà chủ yếu ráng học cho qua môn. Học sinh nào cũng vậy thôi. Khi tôi học cấp 3, thậm chí giáo viên môn Văn còn không thèm dạy chúng tôi môn Tập Làm Văn nữa. Cho nên, khi các bạn bắt đầu quyết tâm rằng sẽ kiếm sống bằng con chữ, thì điều đầu tiên các bạn nên làm, đó là ra nhà sách và tìm mua trọn bộ sách giáo khoa môn Tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 12. Why? Vì đó là kiến thức cơ bản nhất. Bạn có tin rằng, đến thời điểm này, có những bạn học văn chương, ngôn ngữ, biên kịch mà không biết gì về câu đơn, câu ghép, từ đơn, từ phức, từ tượng thanh, từ tượng hình, ý nghĩa của mỗi từ, từ đồng âm, từ đồng nghĩa, tính chất và sự khác nhau giữa các thể loại văn nghị luận, miêu tả, trần thuật, tự sự hay không? Tôi đã từng gặp những bạn như vậy rồi đấy. Và trong khi mua trọn bộ sách tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 12, sẵn đang ở nhà sách, bạn hãy tiện tay mua thêm một quyển Từ điển tiếng Việt, chọn quyển nào dày và nhiều từ nhất ấy. Sau khi mua về, đừng cất chúng vào xó mà hãy lấy ra đọc mỗi ngày. Làm chủ kiến thức căn bản, là cách tốt nhất để bạn làm chủ sự sáng tạo và vươn lên. Đó cũng là bước đầu tiên, giúp bạn có thể kiểm soát mọi kỹ thuật kể chuyện, sáng tạo nâng cao sau này.

À, còn điều này đừng quên: KHÔNG-BAO-GIỜ-ĐƯỢC-PHÉP-VIẾT-SAI-CHÍNH-TẢ.

Có câu nói rằng: Thiên tài có 99% khổ luyện. Lý Tiểu Long từng nói: “Tôi không sợ những kẻ tập một lần 10.000 cú đá, tôi chỉ sợ những kẻ tập một cú đá 10.000 lần”. Những vận động viên, nghệ sĩ múa, diễn viên phải tập đi tập lại một động tác suốt hàng năm trời, cho đến khi những động tác ấy ăn vào máu, chỉ cần họ nhún nhẹ người là có thể thực hiện được ngay. Không có sự thành công nào mà không phải trải qua khổ luyện. Không có nghề nghiệp nào là dễ dàng. không có công việc nào là việc nhẹ lương cao. Ở thế kỷ XXI này, nếu bạn không phải là người giỏi nhất, thì bạn chẳng là gì cả. Vậy nên, nếu bạn thật sự muốn trở thành một biên kịch, hãy chăm chỉ học tập, rèn luyện từng kỹ năng cơ bản một cách thuần thục, nhuần nhuyễn nhất, cố gắng hết sức mình, để giành lấy thành công. Còn nếu bạn cảm thấy rằng, việc phải viết đúng chính tả, viết theo những nguyên tắc nhất định, theo đuổi kiến thức quá khó khăn, hay bạn nghĩ rằng bạn không thể dành trọn thời gian để theo đuổi công việc này, thì tôi khuyên bạn nên ngừng lại, ngay lúc này, để tránh lãng phí thời gian và tuổi trẻ của bạn. Trong trường hợp bạn tin rằng, bạn có thể trở thành một biên kịch thành công, mà không cần tới những kiến thức này, thì tôi mong rằng bạn hãy rời khỏi trang blog này ngay và đừng bao giờ quay lại nữa.

BÀI HỌC HÔM NAY

PHƯƠNG PHÁP 4W: KHI NÀO – Ở ĐÂU – AI – LÀM GÌ

⊕ BÀI TẬP VỀ NHÀ: Với các bạn có ý định tiếp tục theo dõi các bài viết thuộc dự án Kịch bản 101 này, tôi sẽ gợi ý cho các bạn vài bài tập về nhà, các bạn có thể chọn làm một hoặc nhiều bài cũng được, còn nếu các bạn không làm thì tùy các bạn thôi, chứ tôi không có bị ảnh hưởng gì hết.

  • Bài tập 1: Viết một câu chuyện dài 10 câu, tuân theo Phương pháp 4W.
  • Bài tập 2: Viết lại nội dung chính một bộ phim hoặc một vở kịch bạn đã xem gần đây trong vòng 20 câu, tuân theo phương pháp 4W.
  • Bài tập 3: Viết lại nội dung một cuốn truyện hoặc tiểu thuyết bạn đã đọc gần đây trong vòng 20 câu, tuân theo phương pháp 4W.
  • Bài tập 4: Làm một bài thơ thể loại tự do gồm 4 câu, tuân theo phương pháp 4W.

Để theo dõi và cập nhật nhiều bài viết mới nhanh chóng hơn, hãy bấm Follow trang blog này nhé.  Nếu bạn thấy bài viết hữu ích, đừng chần chừ mà hãy chia sẻ ngay bài viết này đến cộng đồng. Sự quan tâm, chia sẻ của các bạn là động lực để tôi tiếp tục dự án. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc hay góp ý nào, hãy để lại bình luận phía dưới bài viết, tôi sẽ giải đáp khi thuận tiện.

Bài viết tiếp theo sẽ là chủ đề khá cơ bản mà ai cũng cần phải biết: CẤU TRÚC 3 HỒI.

©yooribae


Δ Như vậy là bài viết đầu tiên của dự án Kịch bản 101 về kỹ thuật viết kịch bản đã hoàn thành. Tôi thật sự khá bất ngờ về bản thân khi nội dung và thời gian thực hiện vượt xa so với dự kiến ban đầu với gần 4000 từ và 10 tiếng ngồi vừa nghĩ vừa tìm hình vừa làm hình vừa đánh máy. Trong quá trình thực hiện bài viết này, tôi nhận ra khá nhiều vấn đề mà tôi chưa từng nghĩ tới. Tôi không phải biên kịch bậc thầy, lão làng như những tác giả sách mà tôi từng đọc. Tôi cũng không phải một nhà nghiên cứu đại tài người có thể phát minh ra những kỹ thuật viết mới. Phần lớn kiến thức mà tôi đã, đang và sẽ chia sẻ cùng các bạn trong dự án này đều là kiến thức tôi học được từ nhiều nguồn khác nhau. Tuy viết một bài như thế này khá là khó khăn, trong khi nếu lười tôi có thể copy nội dung từ sách quăng lên đây mà không ai biết được, tôi vẫn muốn tự tay viết những bài chia sẻ như thế này, theo cách mà tôi hiểu, theo cách mà tôi nghĩ, theo cách thể hiện của tôi. Kiến thức trong mỗi bài không quá nhiều, nhưng nếu viết quá ngắn gọn thì có lẽ nhiều bạn sẽ không thể hiểu được. Trong bài viết đôi khi có sự thiếu sót, mong nhận được sự thông cảm và những góp ý, chia sẻ từ các bạn. Xin chân thành cảm ơn.

Một suy nghĩ 48 thoughts on “[Kịch bản 101] #1 : Quên con mèo đi, tự cứu mình trước đã !

  1. Em cảm thấy thật muộn vì tới tận bây giờ mới biết được blog của anh, cảm giác đọc từng câu từng chữ em có thể cảm nhận được sự tâm huyêt của anh luôn ấy. Thật mong sau này anh được nhiều người biết tới hơn nữa >v<

    Đã thích bởi 1 người

  2. Em có thể cảm nhận được tâm huyết của anh qua từng câu chữ, mong anh hãy tiếp tục viết vì đây là những chia sẻ thực sự hữu ích. Chúc anh luôn mạnh mẽ tiến lên nhé!

    Thích

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.